Nỗ lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới
10-4-2022
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình GDPT 2018) đối với môn Ngữ văn lớp 6 trên địa bàn tỉnh ta đã được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực và phẩm chất của học sinh, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Nỗ lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới
CT

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng Chương trình giáo dục phổ thông mới, vừa qua, được sự đồng ý của Sở GD&ĐT, Trường THCS và THPT Liên Việt Kon Tum tiến hành tổ chức Hội thảo về nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn lớp 6 (CT GDPT 2018) nhằm đánh giá những kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế trong thời gian vừa qua. Hội thảo tổ chức các tiết dạy thực nghiệm với sự tham gia của đông đảo cán bộ, giáo viên cốt cán bộ môn Ngữ văn trên địa bàn tỉnh; qua đó giúp các giáo viên có cái nhìn sinh động, trực quan và thực hiện đánh giá, rút kinh nghiệm cho bản thân.

Các em học sinh lớp 6B (Trường THCS và THPT Liên Việt Kon Tum) lên thuyết trình về các ý tưởng của mình. Ảnh: HT

 

Tại Hội thảo này, chúng tôi được tham dự tiết dạy thực nghiệm của giáo viên Trường THCS và THPT Liên Việt Kon Tum về chủ đề văn bản nghị luận xã hội cho các em học sinh lớp 6B của nhà trường. Sau khi giáo viên mở đầu bài học bằng những câu hỏi mở, những ví dụ cụ thể, trực quan liên quan đến bài học mới bằng máy chiếu, 35 em học sinh của lớp 6B sôi nổi trao đổi ý kiến làm cho không khí giờ học sôi động hẳn lên. Nhiều em học sinh đại diện nhóm của mình trả lời một cách tự tin, sáng tạo, giáo viên hướng dẫn chăm chú quan sát từng học sinh, sau đó giáo viên giải đáp thắc mắc của từng học sinh.

Cũng tại tiết học, những mục tiêu về kiến thức, năng lực và phẩm chất của học sinh liên quan đến môn Ngữ văn lớp 6 thuộc chương trình mới được đưa ra để các thầy cô giáo cùng bàn bạc, trao đổi, từ đó đánh giá những ưu, nhược điểm để cùng nhau rút kinh nghiệm.

Thầy Lê Đắc Tường- Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Liên Việt Kon Tum cho biết: “Tiết học vừa rồi, giáo viên bộ môn đã có sự tìm tòi đổi mới, sáng tạo trong phương pháp, hình thức dạy học, qua đó khơi dậy sự tích cực, sôi nổi và học tập hiệu quả của các em học sinh. Đây còn là cơ hội cho các giáo viên được học tập, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy nhằm nâng cao chuyên môn, hiệu quả giảng dạy”.

Năm học 2021-2022, Trường THCS và THPT Liên Việt Kon Tum có 206 em học sinh lớp 6, được chia thành 6 lớp. Nhà trường  lựa chọn bộ SGK Cánh Diều để tổ chức dạy học cho học sinh lớp 6. Để triển khai dạy học hiệu quả theo chương trình mới, nhà trường đã có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về đội ngũ giáo viên, kế hoạch giảng dạy, cơ sở vật chất trường lớp học. Ngay từ đầu năm học mới, các giáo viên của trường được tham gia nhiều buổi sinh hoạt chuyên môn, tập huấn bồi dưỡng về nghiệp vụ; phát huy sự chủ động, sáng tạo của giáo viên và học sinh trong việc truyền thụ, tiếp thu kiến thức; bài giảng được thiết kế linh hoạt, đảm bảo mục tiêu phát triển tối đa phẩm chất, năng lực của học sinh theo Chương trình GDPT 2018.

Thời gian qua, ngành GD&ĐT tỉnh tích cực triển khai các hoạt động nhằm đáp ứng hiệu quả, kịp thời công tác đào tạo theo chương trình mới. Theo chương trình của Bộ GD&ĐT đề ra, bắt đầu từ năm học 2021- 2022, các trường THCS trong cả nước nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng thực hiện đồng thời hai chương trình giáo dục phổ thông, là chương trình hiện hành (CT GDPT 2006) đối với lớp 7 đến lớp 9 và chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT 2018) đối với lớp 6.

Theo đó, việc biên soạn tài liệu Ngữ văn địa phương lớp 6 của tỉnh Kon Tum được Sở GD&ĐT triển khai kịp thời và đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập của các trường THCS trên địa bàn tỉnh. Bộ tài liệu gồm 3 truyện cổ: Đất và trời (truyện cổ Xơ Đăng), Sự tích nhà rông (truyện cổ Ba Na) và truyện Gốc tích tên gọi Kon Tum.

So với chương trình năm 2000 và 2006, chương trình Ngữ văn 2018 có nhiều điểm mới, chú trọng hình thành trục kết nối kiến thức - kỹ năng - phẩm chất - năng lực của học sinh, những thay đổi trong quan điểm, mục tiêu và giá trị cốt lõi trong đào tạo. Điểm mới và các vấn đề đặt ra trong thực tiễn đòi hỏi các cấp quản lý, giáo viên có những thay đổi về nhận thức, từ đó có các giải pháp linh hoạt phù hợp với từng đơn vị để triển khai có hiệu quả chương trình Ngữ văn 2018, nhất là đối với lớp 6.

Thời gian tới, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục có những giải pháp phù hợp để khắc phục những bất cập, khó khăn khi áp dụng chương trình Ngữ văn 2018, nhất là đối với lớp 6 trong thực tiễn giảng dạy. Đồng thời, khuyến khích giáo viên và học sinh sự nỗ lực rèn luyện, học tập, tiếp thu cái mới, đổi mới trong phương pháp dạy và học để nâng cao hiệu quả giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong tương lai.    

 

Hoàng Thanh (báo Kon Tum)  
Số lượt xem:1392