Có những công trình nghiên cứu không đi tìm ánh hào quang đang tỏa rạng, mà phải dày công miệt mài đào xới gom nhặt những mảnh trầm tích ngủ yên trong quá khứ, mấy ai biết những điều xưa cũ đó vẫn âm thầm kết nối mạch văn thơ, xuyên suốt tư tưởng của con người Việt Nam cho đến nay như máu thịt.
Có những công trình nghiên cứu không phải ai yêu văn học cũng tiếp nhận dễ dàng, mà phải đi ngược thời gian mới về tận nơi nguồn cội, mới hiểu hết cái lẽ sâu xa đã đúc nên hồn cốt dân tộc.
Những tòa lâu đài kiên cố, những ngôi nhà cao tầng muốn vững vàng cùng thời gian, cần có trụ móng vững chắc. Như cây có gốc rễ, con người có cội nguồn, nền văn học cũng là một hành trình lâu dài được xây dựng trên nền tảng kế thừa và tiếp nối những tư tưởng, những vẻ đẹp truyền thống của dân tộc. Văn học là nhân học. Đi ngược về quá khứ để hiểu tư tưởng con người Việt Nam, tìm về văn học xưa để hiểu rõ hơn văn học Việt Nam hôm nay, thấu tư tưởng cốt lõi để thấy rõ hơn vẻ đẹp con người Việt Nam trong các quan niệm ứng xử, lẽ sống,…
Chính vì lẽ đó, Tư tưởng Thiền-Lão trong lý luận phê bình văn học cổ điển Việt Nam của TS Lê Đắc Tường với phương pháp tiếp cận khoa học, rất thú vị và nhiều ý nghĩa. Những ai yêu quý tự hào về con người Việt Nam, văn hóa, văn học Việt Nam, hẳn sẽ dừng lại cùng công trình Nghiên cứu đầy tâm huyết này.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Ảnh bìa của cuốn sách
Tiến sĩ Lê Đắc Tường tặng sách cho độc giả
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung cuốn sách bao gồm 4 chương 8 tiết.
Trong chương 1, cuốn sách tìm hiểu tổng quan tình hình nghiên cứu về tư tưởng Thiền-Lão, tư tưởng Thiền-Lão trong lý luận văn học cổ Trung Quốc và tư tưởng Thiền-Lão trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam; đồng thời khái quát về các khuynh hướng trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam. Chương này tuy khái quát nhưng chứa nhiều nội dung uyên áo, chứng tỏ sự đọc, nghiên cứu, thẩm thấu và công phu của người viết. Cái tâm đắc của chương này có lẽ là sự nghiền ngẫm về sự tương đồng thú vị và sự kết nối hài hòa giữa hai tư tưởng Thiền tông và Lão Trang.
Chương 2 nghiên cứu phạm trù Tự nhiên trong tư tưởng Thiền-Lão và trong lý luận, phê bình văn học cổ Trung Quốc; đồng thời tập trung làm rõ quan niệm Tự nhiên trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam với hai nội dung: Tự nhiên trong quan niệm của các tác giả thời Lý - Trần và Tự nhiên trong quan niệm của các tác giả thời Lê - Nguyễn. Tự nhiên là bản thể của Thiền-Lão, bàng bạc trong lý luận phê bình văn học cổ Trung Quốc và trở thành lý tưởng thẩm mỹ trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam.
Chương 3 nghiên cứu phạm trù Hư tĩnh, Vô ngôn trong tư tưởng Thiền-Lão và trong lý luận, phê bình văn học cổ Trung Quốc; đồng thời tập trung làm rõ quan niệm Hư tĩnh và Vô ngôn trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam với các nội dung: Quan niệm Hư tĩnh/Vô ngôn của các tác giả thời Lý - Trần và Quan niệm Hư tĩnh/Vô ngôn của các tác giả thời Lê - Nguyễn. Hư tĩnh và Vô ngôn là đặc thù, thể hiện rõ cái chất của Thiền-Lão. Hư tĩnh và Vô ngôn biểu hiện rất nổi bật, xuyên suốt trong lý luận, phê bình văn học cổ Trung Quốc và Việt Nam.
Chương 4 nghiên cứu phạm trù Tiêu dao, Bình đạm trong tư tưởng Thiền-Lão và trong lý luận, phê bình văn học cổ Trung Quốc; đồng thời tập trung làm rõ quan niệm Tiêu dao và Bình đạm trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam với các nội dung: Quan niệm Tiêu dao/Bình đạm và phong cách nghệ thuật Tiêu dao/Bình đạm. Chương này tác giả viết rất ‘phiêu” theo kiểu Tiêu dao nhưng cũng rất gần gũi, mộc mạc mà sâu sắc như Bình đạm.
Phần kết luận của công trình khá thú vị. Sau khi khái quát lại, tác giả đã đưa ra những nhận định về sự ảnh hường của lý luận, phê bình văn học cổ Trung Quốc và sự tiếp biến của lý luận phê bình văn học cổ điển Việt Nam. Đồng thời đề xuất hướng nghiên cứu những vấn đề thú vị khác như: Sự giao thoa cũng như sự khác biệt của các phạm trù Thiền-Lão trong văn học so với tư tưởng Nho giáo; Bản sắc Việt trong khuynh hướng văn học Thiền-Lão; Khuynh hướng Thiền-Lão trong thực tiễn sáng tác văn học cổ điển và sự tiếp nối trong văn học hiện đại,…
Theo PGS.TS Đoàn Lê Giang, công trình này (trong số rất ít công trình) là sự tiếp nối các công trình như: Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam (1985), Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam (1997) của Phương Lựu; Lê Quý Đôn trên tiến trình ý thức văn học dân tộc (1996) của Đinh Thị Minh Hằng; Thơ trong con mắt người xưa (1999) của Phạm Quang Trung; Ý thức văn học cổ trung đại Việt Nam (2000) của Đoàn Lê Giang; Sự phát triển tư tưởng thi học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX (2010) của Nguyễn Thanh Tùng,…
Và cũng xin trích lời của PGS.TS Đoàn Lê Giang để kết thúc cảm nhận về cuốn sách của TS. Lê Đắc Tường: “Từ cái nhìn tổng quan về tư tưởng Thiền tông và Lão Trang và các khuynh hướng phê bình văn học cổ trung đại Việt Nam, Lê Đắc Tường đã đi sâu vào khuynh hướng Thiền-Lão - một khuynh hướng có nhiều điểm thú vị, mới lạ về lý luận cũng như thực tiễn sáng tác. Giữa nhiều khái niệm, tác giả đã đi sâu vào năm khái niệm cơ bản của tư tưởng triết học Thiền-Lão: Tự nhiên, Hư tĩnh, Vô ngôn, Tiêu dao, Bình đạm, để trình bày, lý giải sự chuyển hoá từ tư tưởng triết học thành tư tưởng lý luận văn học, mỹ học và thể hiện một cách sinh động trong thực tiễn sáng tác trong văn học cổ điển Việt Nam. Cách triển khai như thế khiến cho công trình có độ tin cậy cao, thuyết phục người đọc. Công trình cho thấy tác giả là người có hiểu biết căn bản, có thực học và tiềm lực nghiên cứu khoa học dồi dào. Công trình mới mẻ, thú vị, rất cần thiết cho các giáo viên, giảng viên, sinh viên, học viên và những ai quan tâm đến sáng tác, cũng như lý luận văn học trung đại của dân tộc”.