Tóm tắt
Từ khi hình thành khu vực văn hóa Đông Á, văn học của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam bên cạnh những đặc điểm riêng còn có những bước đi, tính chất, quy luật chung. Có nguồn gốc từ tư tưởng Thiền - Lão, vô ngôn trở thành một nguyên tắc mỹ học trong văn học cổ điển của các nước Đông Á. Những biểu hiện của vô ngôn sẽ được làm sáng tỏ một phần qua việc nghiên cứu vấn đề: Vô ngôn trong quan niệm văn học cổ điển các nước Đông Á.
Từ khóa: Thiền – Lão, Vô ngôn
Abstract
Since the formation of the East Asian cultural area, the literature of China, Korea, Japan and Vietnam has also the steps, nature and general rules apart from its own characteristics. Originating from Zen – Daoism, wuyan has become an aesthetic rule in the classical literature of East Asian countries. The expressions of wuyan will be partially clarified by the study of the issue: Wuyan in the concepts of classical literature of the East Asian countries.
Keywords: Zen – Daoism, Wuyan (language of emptiness)
1. Đặt vấn đề
Khu vực văn hóa Đông Á được hình thành từ đời Hán (206 TCN - 220). Kể từ đó, nhất là khi Phật giáo Thiền tông lan tỏa, văn học các nước Đông Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam) đã có những điểm chung cùng với bản sắc riêng của mỗi quốc gia. Trước đó, văn học các nước Đông Á đều đã có một nền văn học dân gian phong phú và đặc sắc, nhưng văn học viết thì chưa xuất hiện. Việc hình thành khu vực văn hóa Đông Á đã tạo nên nền văn học viết của mỗi dân tộc theo mô thức Trung Hoa viết bằng Hán văn, sau đó được viết bằng tiếng nói của mỗi dân tộc. Nguồn chung và dòng riêng của nền văn học các nước Đông Á đã và đang có sức hút rất lớn và mở ra chân trời trãi rộng cho ngành nghiên cứu văn học nhất là nghiên cứu văn học so sánh, nghiên cứu chuyên sâu về tư duy nghệ thuật, quan niệm văn học,...
2. Vô ngôn trong tư tưởng Thiền - Lão và trong quan niệm văn học cổ điển Trung Quốc
Lão Trang và Thiền tông thống nhất quan niệm về ngôn ngữ. Cả hai đều coi trọng cái “ngoài” ngôn ngữ, cái “sau” ngôn ngữ. Chính vì thế, Thiền - Lão coi trọng vô ngôn. Vô ngôn hàm ẩn rất nhiều ý nghĩa tinh tế, uyên áo được rút ra từ quan niệm “Bất ngôn chi giáo” của Lão Tử, “Đắc ý vong ngôn” của Trang Tử và quan niệm “Bất lập văn tự” của Thiền tông.
Lão Tử chủ trương vô vi, “Bất ngôn chi giáo” cũng là một trong những biểu hiện của vô vi. Trong Đạo đức kinh, Lão Tử hai lần đề cập đến “Bất ngôn chi giáo”. Ở chương 2, ông nói: “Xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo” (Dùng vô vi mà xử sự, dùng phương pháp không lời mà dạy dỗ) [1, tr.44], đến chương 43, ông lại nói: “Bất ngôn chi giáo, vô vi chi ích, thiên hạ hi cập chi” (Dạy bảo mà không cần đến lời nói, sự lợi ích của vô vi, trong thiên hạ ít ai theo kịp) [1, tr.215]. Cả hai lần nói về “Bất ngôn chi giáo”, Lão Tử đều gắn với vô vi. Như vậy, phương pháp không dùng lời nói là cách đến được với vô vi, với Đạo. Đó là một trong những lý do mà Lão Tử chủ trương “Bất ngôn chi giáo”. “Bất ngôn chi giáo” của Lão Tử đã được Trang Tử kế thừa. Thiên Đức phù sung trong Nam hoa kinh là một thiên mà Trang Tử dùng để giải nghĩa “Bất ngôn chi giáo” của Lão Tử. Đặc biệt, Trang Tử đã thống nhất với Lão Tử về “bất ngôn” khi ông chủ trương “vong ngôn” [2, tr.229].
Thiền tông được xem là sản phẩm của cuộc gặp gỡ diệu kỳ giữa Phật giáo và Lão Trang. Bởi vậy, Thiền tông mang tinh thần vô ngôn ở cả hai. Tinh thần vô ngôn trong Phật giáo Ấn Độ thể hiện ở hai điểm. Thứ nhất, khi đã thành Phật và sau hơn 40 năm thuyết pháp, trước khi nhập niết bàn, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy các đệ tử rằng: Ta chưa nói lời nào. Phật còn dạy: “Nhất thiết tu-đa-la giáo như tiêu nguyệt chỉ”. Hai lời dạy của đức Phật thể hiện rõ quan niệm vô ngôn trong tư tưởng Phật giáo nguyên thủy. Thứ hai, trong nhiều câu chuyện về Phật giáo, sự tích “Niêm hoa vi tiếu” được nhiều người biết đến. Đây là tiền thân của phương pháp dĩ tâm truyền tâm mà sau này Thiền tông đã kế thừa. Thiền tông, với hai biểu hiện của vô ngôn như đã nói của Phật giáo cùng với quan niệm vô ngôn của Lão Trang đã hình thành quan niệm “Bất lập văn tự”. Từ đó, vô ngôn trở thành quan niệm hết sức uyên áo của Đạo học phương Đông, sức ảnh hưởng của nó vô cùng to lớn không chỉ về mặt tư tưởng mà còn trong lĩnh vực nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, đặc biệt là văn chương.
Văn học Trung Quốc nói chung và quan niệm văn học cổ điển nói riêng đã được hình thành từ khoảng thế kỷ 3 TCN. Quan niệm văn học cổ điển Trung Quốc có lịch sử trên 2000 năm với nội dung rất phong phú, đa dạng. Khởi thủy của quan niệm văn học Trung Quốc là tư tưởng của thời kỳ “trăm nhà đua tiếng” thời Tiên Tần. Trên cơ sở đó, hình thành nên các quan niệm văn học có ý nghĩa đặt nền móng cho nền văn học Trung Quốc, tiêu biểu là Nho giáo với Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử; Đạo giáo với Lão Tử, Trang Tử; Mặc gia với Mặc Tử; Pháp gia với Hàn Phi Tử,...
Trung Quốc được xem là trung tâm của nghệ thuật Đông Á, từ ảnh hưởng của Thiền - Lão, vô ngôn trong văn học nói chung và trong quan niệm văn học nói riêng rất được quan tâm.
Ngay từ thời Ngụy Tấn, vô ngôn đã được Lục Cơ đề cập. Mở đầu Văn phú, Lục Cơ viết:“Hằng hoạn ý bất xứng vật, văn bất đãi ý” (thường lo ý không xứng với vật, văn không theo kịp ý), “Chí ư thao phủ phạt kha, tuy thủ tắc bất viễn, nhược phù tùy thủ chi biến, lương nan dĩ từ đãi” (Đến như cầm rìu đẽo cán, dẫu mẫu mực chẳng xa, nhưng mỗi tay mỗi khác, từ ngữ thì khó mà theo kịp để truyền đạt) [5, tr.42]. Hai câu mở đầu của Văn phú đề cập đến vấn đề ngôn ngữ, đều nói về “Ngôn bất tận ý”. Đào Uyên Minh đã quan niệm về vô ngôn ở khía cạnh sự giới hạn, sự bất lực của ngôn ngữ. Ông nói “Thử trung hữu chân ý, dục biện dĩ vong ngôn” (trong lòng có chân ý, muốn nói lại quên lời) [10, tr.73]. Lưu Hiệp, Chung Vinh cũng đề cao vô ngôn. Với Lưu Hiệp, vô ngôn là “Ý tại ngôn ngoại”. Trong thiên Ẩn Tú, Lưu Hiệp cho rằng tinh hoa của văn chương là ở Ẩn và Tú: “Ẩn dã giả, văn ngoại chi trọng chi giả dã; tú dã giả, thiên trung chi độc bạt giả dã. Ẩn dĩ phức ý vi công, tú dĩ trác tuyệt vi xảo” (Ẩn là cái nghĩa ngoài văn, tú là cái nổi bật trong toàn bài. Ẩn khéo ở chỗ có nhiều hàm nghĩa, tú hay ở chỗ đẹp hơn bình thường) [8, tr.446]. Như vậy, Ẩn là ý tại ngôn ngoại, là tinh túy và tạo nên dư vị vô cùng trong văn chương. Chung Vinh, trong Thi phẩm, cũng đã bàn đến vô ngôn ở góc độ “Ý tại ngôn ngoại”. Khi bàn về thơ tứ ngôn, ông nói: “Phù tứ ngôn, văn ước ý quảng” (Phàm thể thơ tứ ngôn lời ít ý nhiều) [16, tr.50]. Luận về thơ, ông cho rằng thơ gồm có ba nghĩa là hứng, tỷ, phú; trong đó, hứng là “Ngôn bất tận ý”: “Văn dĩ tận nhi ý hữu dư”.
Đến đời Đường, vô ngôn là một trong những đặc trưng của ngôn ngữ thơ Đường, thể hiện ở phương thức “gợi, không tả”, ở “khoảng lặng, mờ” “ngôn hữu hạn, ý vô cùng”,... Một số thi nhân đời Đường như Tư Không Đồ, Thích Hiệu Nhiên,... đã bày tỏ quan niệm trực tiếp về vấn đề này. Đó cũng là cách nói “Tượng ở ngoài tượng, cảnh ở ngoài cảnh” của Tư Không Đồ khi bàn về tính hàm súc của thi ca. Đồng thời, ông cũng cho làm văn phải “vận ngoại chi chi” (phải đạt đến chỗ tuyệt diệu ở ngoài vần), “Vị ngoại chi chỉ” (Ý vị ở ngoài vị) [12, tr.192]. Thích Hiệu Nhiên khi luận thơ cũng có quan niệm “Ý tại ngôn ngoại”. Ông quan niệm: Tác dụng của thơ là xuất ý phải hiểm, đặt câu phải khó, tuy phát từ lòng ta nhưng biểu hiện như thần. Đến như những câu thơ có cốt cách cao vời vợi tranh quyền Tạo hóa thì chỉ có thể cảm được ý sâu xa chứ không thể nói rõ hình trạng, riêng người viết ra nó mới biết mà thôi.
Vào đời Tống, vô ngôn đã trở thành tiêu chuẩn nghệ thuật cơ bản. Trong Thương Lang thi thoại, Nghiêm Vũ đã đề cập đến vô ngôn khi ca ngợi các thi nhân đời Đường: “Các thi sĩ thời Thịnh Đường riêng về hứng thú, như linh dương móc sừng treo mình lên cành cây thì không có dấu vết có thể tìm. Cho nên diệu xứ mà họ đến được là rất thấu triệt, lung linh không thể nắm bắt được, như là âm thanh trên không trung, như màu sắc của hình tướng, như vầng trăng đáy nước, như bóng trong gương. Lời đã hết mà ý vô cùng” [5, tr.112]. Âu Dương Tu cũng đã đề cập đến vô ngôn khi ca ngợi thơ Mai Nghiêu Thần là ý tứ sâu rộng, tinh tế, thâm sâu: “Thánh Du, Tử Mĩ nổi danh ở thơ, mà hai nhà thơ này khác nhau về thể, Tử Mĩ bút lực mạnh mẽ, tung hoành ngang dọc lạ kỳ, Thánh Du ý tứ sâu rộng, tinh tế, lấy thâm sâu nhàn đàm làm ý. Mỗi người đều có cái hay riêng chỉ có thể luận bàn những điểm hay, không thể phẩm bình hơn kém” [10, tr.168].
Đến đời Thanh, thuyết Thần vận của Vương Sỹ Chân cũng đề cập đến vô ngôn ở khía cạnh “Ý tại ngôn ngoại” trong văn chương. Kế thừa quan niệm Thần vận của các tác giả trước với đặc trưng là “Hàm súc thâm viễn, ý dư ngôn ngoại”, Vương Sĩ Chân xây dựng thuyết thần vận với yêu cầu về phong cách: “Tự nhiên, Siêu diệu, Hàm súc, Tuyển vĩnh” (Tự nhiên, Siêu việt, kỳ diệu, Hàm súc, Ý vị sâu xa) [5, tr.132]. Trong Thần vận, thì “vận” là cảnh giới thẩm mỹ cao trong sáng tạo nghệ thuật, với các tiêu chuẩn cơ bản: Thanh viễn, Bình đạm, Hàm súc. Ngô Trần Diệm đã bày tỏ quan niệm về vô ngôn: ““Tư Không Biểu Thánh bàn về thơ nói “quả mơ dừng lại ở vị chua, hạt muối dừng lại ở vị mặn, ăn uống không thể thiếu chua mặn, mà cái đẹp của nó thường ở bên ngoài vị chua mặn”. Cái ở bên ngoài vị chua mặn là gì vậy? Là vị ở ngoài vị mà thôi. Vị ở ngoài vị là thần vận”” [14, tr.164].
Tựu trung lại, vô ngôn trong quan niệm văn học Trung Quốc thể hiện ở những khoảng không im lặng, ở chỗ không lời, là “ý tại ngôn ngoại, ngôn bất tận ý”. Theo thời gian vô ngôn trở thành lý tưởng thẩm mỹ, phong cách nghệ thuật trong văn học cổ Trung Quốc. Đồng thời có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến văn học các nước trong khu vực Đông Á.
3. Vô ngôn trong quan niệm văn học cổ điển Hàn Quốc
Văn học cổ điển Hàn Quốc có thể được tính từ năm 57 TCN đến cuối thế kỷ XIX. Quan niệm văn học cũng đã hình thành cùng với nền văn học dưới dạng hàm ngôn và mãi đến thế kỷ IX, quan niệm văn học mới thực sự hình thành dưới dạng hiển ngôn.
Thời Tam quốc và Silla thống nhất (57 TCN - 935): Quan niệm văn học Hàn Quốc được hình thành dưới dạng hiển ngôn. Có lẽ tác giả Choi Ji Won (Thôi Trí Viễn) là người phát ngôn đầu tiên. Thôi Trí Viễn được xem là ông tổ của văn chương chữ Hán và là nhà phê bình lý luận đầu tiên của văn học Hàn Quốc. Trong Bài tựa bia Loan Lang, Thôi Trí Viễn đã đưa ra quan niệm về đạo phong lưu. Theo ông, phong lưu có ngồn gốc từ trong Tiên sử và bao hàm cả hai yếu tố, yếu tố xã hội (bên ngoài) và yếu tố tâm linh (bên trong) đồng thời chịu ảnh hưởng bởi tam giáo. Khi nói về phong lưu, Thôi Trí Viễn đã đề cập đến tinh thần vô ngôn ở khía cạnh “bất ngôn chi giáo” theo quan niệm của Lão Tử: “Quốc gia có cái đạo huyền diệu, gọi là phong lưu. Nguồn gốc của nó thấy tường tận trong Tiên sử (Sunsa). Nó bao hàm cả tam giáo, tiếp hóa quần sinh. Vả chăng nó vào thì thành hiếu với nhà, ra thì trung thành với nước, đó là ý của Lỗ Tư Khấu; nó ở vào việc vô vi, hành ở bất ngôn chi giáo, đó là ý của Chu trụ sự…” [6, tr. 417].
Thời Goryeo (918 - 1392): Quan niệm văn học tiếp tục phát triển, đặc biệt là thời Hậu kỳ Goryeo với hai trường phái: Yongsa ron (Hình thức luận) và Shinui ron (Sáng tạo luận). Nhà lý luận Lee Il Lo (Lý Nhân Lão), trong Phá nhàn tập, đã đề cao cảm thức tự nhiên trong văn chương, tức là văn chương vô ý, tự nhiên thành. Cảm thức tự nhiên sẽ làm cho văn chương đến được với đạo, khi đến được với đạo, văn chương trở nên thanh đạm và mang tinh thần vô ngôn: “Những lời đạt đạo thì thong dong, nhàn nhã, thanh đạm mà ý chí sâu xa. Đó người xưa gọi là “như gió thổi nước, tự nhiên thanh văn” [6, tr.397].
Thời Joseon (1392 - 1910): Quan niệm văn học phát trển rực rỡ và đạt đến độ kinh điển. Chỉ tính riêng về thi thoại, thời kỳ này đã có đến 115 bộ thi thoại.
Seo Geo Jeong (Từ Cư Chính) là văn nhân nổi tiếng nhất triều đại vua Seong Jong. Ông để lại hơn 6000 bài thơ và nhiều công trình thi học, tản văn. Trong Đông nhân thi thoại, Từ Cư Chính cho rằng văn chương phải có giá trị xã hội trên phương diện đạo đức, củng cố chính trị xã hội, nhưng văn chương cũng phải đẹp đẽ, thanh tao. Ông coi trọng ngôn từ trong văn chương và cho rằng: “Sự kỳ diệu của thơ ca chỉ nằm ở ngôn từ” [6, tr.389]. Quan niệm này vừa ca ngợi giá trị đặc biệt của ngôn từ trong văn chương, vừa khẳng định chức năng, đặc trưng tối quan trọng của ngôn từ, trong đó có tinh thần vô ngôn.
Lee Yi (Lý Nhị) là nhà lý luận sắc sảo thời Joseon. Trong Tinh ngôn diệu tuyển tổng tự, Lý Nhị đã có những nhận xét về về các tập thơ, trong đó đề cao tinh thần vô ngôn với những biểu hiện như ý nghĩa sâu xa, tinh tế, tình ý sâu xa. Ông viết: “Trong “Nguyên tự tập” viết rằng: Những bài tuyển chọn trong quyển này “trùng, đạm, tiêu, tán”, tức trong sáng và phóng thoáng, không trau chuốt, tự nhiên mà ẩn chứa ý sâu xa, ảo diệu”. Trong “Trinh tự tập” viết rằng: “Những bài được tuyển chọn trong quyển này “dụng ý tinh thâm”, tức ẩn chứa ý nghĩa sâu xa, tinh tế” [7, tr.442].
Shin Heum (Thân Khâm) vừa là một vị quan, một nhà thơ sijo và là nhà lý luận nổi tiếng. Trong luận thơ, Thân Khâm xem trọng thanh và tự nhiên. Trong Tình song nhuyễn đàm, ông viết: “Thanh được xem là bản sắc của thơ; còn như kỳ, như kiện, cũng chỉ đứng hàng thứ hai mà thôi. Còn như hiểm quái, thâm trầm, chất thực, thì càng xa đạo thơ. Thanh ắt cao, cao ắt không thể đánh giá trên cơ sở thanh sắc. Thơ ắt phải đạt tới cái thanh ở bên ngoài thanh âm, đạt tới cái sắc ở ngoài sắc” [6, tr.397]. Quan niệm thanh ở ngoài thanh, sắc ở ngoài sắc của ông mang nét nghĩa vô ngôn.
Hur Gyun (Hứa quân) là nhà thơ, nhà văn, nhà chính trị thời vua Tuyên Tổ. Trong Thi biện (luận về thơ), Hứa Quân đã quan niệm về phương pháp làm thơ gồm lập ý, cách điệu, kết lời và ngôn ngữ thơ bao gồm: câu, từ, âm hưởng, nhịp điệu. Đạt được những yêu cầu đó, thơ sẽ trở nên thần diệu: “Đầu tiên phải lập ý trước hứng thú, thứ đến là cách điệu sau đến kết lời. Câu cú phải sống động, lời chữ trọn vẹn, âm hưởng trong sáng, nhịp điệu chặt chẽ. Tiếp đến lựa chọn chất liệu đưa vào, nhưng phải đặt đúng chỗ, đừng thêm màu sắc. Như vậy, gõ vào sẽ nghe như tiếng đàn sắt; nhìn gần thì rực rỡ; nhấn xuống thì thấy thâm sâu; đưa lên cao thì vút bay; đóng lại thì vừa thanh nhã vừa mạnh mẽ; mở ra thì hào sảng và thong dong. Thơ như thế này bày ra khiến người đọc say mê như cầm trống nhảy múa. Phải như lấy sắt mà tạo ra vàng; như biến cái thối rữa thánh cái tươi mới. Có thể ca ngợi hình tượng nhưng đừng vướng sâu vào sự vật đó; có thể phơi trải ra (viết) nhưng đừng để vướng bởi thanh luật” [7, tr.443]. Thi biện của Hứa Quân bao hàm quan niệm vô ngôn ở trên hai phương diện: Thứ nhất đó là xem trọng cái bên ngoài ngôn ngữ; thứ hai đó là tinh thần không bị vướng vào sự vật và ngôn ngữ trong sáng tác thơ.
Kim Taek Young (Kim Trạch Vinh) là nhà thơ, nhà tản văn của Hàn Quốc. Trong bài tựa Trùng biên “Yên Nham tập” tự, Kim Trạch Vinh đã hết lời ca ngợi khí chất, văn chương của Phác Yên Nham. Khi ca ngợi văn chương của Phác Yên Nham, Kim Trạch Vinh đã đề cập đến lối văn chương tự nhiên thành. Chính cái tự nhiên sẽ làm cho văn chương đạt đến thần diệu. Và cũng chính vì vậy bản thân ngôn ngữ cũng bất lực khí nói về văn chương. Ông viết: “Cái diệu của ông khi viết văn cũng tự nhiên như sồng dài cuộn chảy, giống như Luận Biển không thể truyền cái áo diệu của kỹ xảo cho con, sao có thể dùng ngôn ngữ để thuyết minh được” [7, tr.455].
Văn học cổ điển Hàn Quốc ra đời muộn hơn Trung Quốc gần ba thế kỷ, quan niệm văn học ở dạng hiển ngôn muộn hơn 10 thế kỷ. Quan niệm văn học cổ điển Hàn Quốc theo thời gian phát triển đã xuất hiện các phạm trù mỹ học như: Tự nhiên, Phong lưu, Tính linh, Vô ngôn, Hài hước,... Trong các phạm trù Tự nhiên, Phong lưu, Tính linh, Vô ngôn thì Tự nhiên và Vô ngôn có nguồn gốc chủ yếu từ tư tưởng Thiền - Lão. Vô ngôn trong quan niệm văn học cổ điển Hàn Quốc được bàn luận nhiều từ khi Thiền tông ảnh hưởng đến Hàn Quốc (khoảng cuối thời Silla thống nhất). Vô ngôn trong quan niệm văn văn học cổ điển Hàn Quốc chủ yếu vẫn mang tinh thần của cái sau ngôn từ, cái ngoài ngôn ngữ, cái khoảng trống, khoảng lặng trong ngôn từ và vẫn mang ý nghĩa “ý tại ngôn ngoại, ngôn bất tận ý” như quan niệm của Trung Quốc.
4. Vô ngôn trong quan niệm văn học cổ điển Nhật Bản
Văn học cổ điển Nhật Bản có thể được tính từ thế kỷ VIII đến cuối thế kỷ XIX. Quan niệm văn học cổ điển Nhật Bản xuất hiện từ thời Nara (thế kỷ VIII). Văn học cổ điển Nhật Bản để lại một kho tàng đồ sộ nhưng lại rất ít trước tác lý luận bày tỏ những quan niệm về văn học. Tuy hạn chế về dung lượng, nhưng các nhà văn và học giả cổ điển đã có những quan niệm về văn học độc đáo, đặc biệt là về thơ.
Luận bàn về văn học sớm nhất trong văn học Nhật Bản là bài tựa tập thi tuyển Kokinshu (Cổ kim tập), xuất hiện vào thế kỷ X. Trong bài tựa này, Ki no Tsurayuky đã đưa ra nhiều ý kiến về nguồn gốc, bản chất, hình thức và phân loại thơ. Đây được xem là sự khởi đầu của quan niệm văn học Nhật Bản và là tuyên ngôn chính thức về thơ Nhật Bản. Quan niệm văn học Nhật bản tiếp tục phát triển với các trước tác: Tinh hoa tân tuyển (Shinsen zuinô), Ghi chép bỏ túi (Fukuro zoshi), Mỗi nguyệt sao (Maigetsushô), Ghi chép lúc nhàn rỗi (Tsurezure gusa), Ghi chép để dưới gối (Makura sôshi),… Vô ngôn trong quan niệm văn học cổ điển Nhật Bản có từ thời Nara, phát triển dần theo thời gian và thông qua các khái niệm mỹ học sau:
Thời Nara được xem là thời bình minh văn học Nhật Bản với thể thơ tanka trữ tình và giàu nữ tính. Mỗi bài tanka đã là một biểu hiện của vô ngôn, bởi lẽ như H.H.Honda nhận định: Một bài tanka tựa như “hoa anh đào ẩn hiện trong sương mờ mùa xuân” [3, tr.39]. Cũng từ thơ tanka, thuật ngữ Yojo (dư tình) xuất hiện. Ban đầu Yojo được xem là một yếu tố quan trọng mà một bài tanka phải có, sau đó, cùng với thời gian, Yojo trở thành phạm trù thẩm mỹ uyên áo. Theo tiếng Hán, khái niệm này có nghĩa là “cái tình ý còn dư ba”, được dịch là hàm ý. Cái dư tình trong thơ tanka thêm vào ý nghĩa trên văn tự, biểu hiện được ý ở ngoài lời. Theo quan niệm của những nhà thơ tanka, dư tình là một khái niệm mỹ học của văn học, mang tính phức hợp, dùng để đánh giá thơ tanka trong mức độ phong phú về tính tượng trưng, tiêu biểu là những ám chỉ vi diệu, ẩn dụ tinh tế, hay lối biểu hiện bí ẩn của ngôn từ. Dù cho về sau này, khái niệm dư tình bị Yugen che khuất nhưng dư tình vẫn được xem là khái niệm quan trọng nhất của mỹ học Nhật Bản.
Thời Heian (thế kỷ IX - XII) được xem là thời văn học của cái đẹp, thể thơ tanka tiếp tục phát triển và thịnh hành, phạm trù Yojo tiếp tục được coi trọng không chỉ trong thơ mà cả trong văn xuôi, tiêu biểu là Genji monogatari. Trong thời này, bên cạnh khái niệm Yojo, khái niệm Yugen cũng đã xuất hiện. Mibu Tadamine, trong tập sách ghi chép những ý kiến phê bình về thơ ca Wakataijusshu (Mười loại waka), đã nói đại ý rằng những bài thơ xuất sắc nhất là những bài thơ thâm nhập được vào cảm thức Yugen.
Thời trung đại (XIII-XVI) khái niệm Yojo được sử dụng với ý nghĩa ở trên, đôi khi nó được sử dụng tương thông với khái niệm u huyền. U huyền là thuật ngữ được dùng để bình luận phổ biến về giá trị nghệ thuật của thơ ca thời trung đại.
Fujiwara Shunzei là một tác giả nổi tiếng cả về sáng tác và phê bình thơ trong giai đoạn chuyển tiếp từ thời Heian sang thời trung đại. Trong sáng tác, Fujiwara Shunzei đã vận dụng thành công thủ pháp Honkadori. Đây là thủ pháp nối liền thơ xưa và thơ nay bằng cách lặp lại hình ảnh, ngôn từ đã có trong những bài thơ đã nổi tiếng. Chính thủ pháp này đã tạo ra một chiều sâu trong thơ với ngôn từ cô đọng và lối biểu đạt thiên về trừu tượng, mơ hồ. Từ đó làm cho thơ trở nên thần diệu, để lại nhiều dư âm và chính điều này đã tạo nên sự huyền diệu trong việc cảm nhận thơ. Trong phê bình thơ, Fujiwara Shunzei đã thường sử dụng khái niệm Yugen. Những bài thơ mà Fujiwara Shunzei cho là có cảm thức Yugen đều là những bài thơ có tính trừu tượng và mơ hồ do sử dụng ngôn từ giàu tính khơi gợi và có nhiều khoảng trống. Như vậy, khái niệm Yugen được Fujiwara Shunzei đề xuất tương tự vô ngôn trong quan niệm Thiền – Lão và trong quan niệm văn học cổ điển Trung Quốc.
Kamo no Chomei là một văn nhân nổi tiếng của dòng văn học ẩn sĩ thời trung đại, cũng đã đề cập đến khái niệm Yugen trong tập khảo luận Mumyosho (Vô danh sao). Kamo no Chomei không đưa khái niệm này vào việc phê bình thơ ca trực tiếp như Fujiwara Shunzei mà chỉ nêu lên cảm nhận chung rằng: Yugen không hiển hiện trên ngôn từ và không thể nắm bắt qua hình tướng. Quan niệm về Yugen của Kamo no Chomei mang nét nghĩa vô ngôn.
Fujiwara Teika là học giả và thi nhân nổi tiếng thời trung đại, là người kế thừa xuất sắc của Fujiwara Shunzei. Trong tập khảo luận Maigetsusho (Mỗi nguyệt sao), Fujiwara Teika, một mặt xem Yugen là một khái niệm để chỉ vẻ đẹp có ý nghĩa sâu sắc, mơ hồ, trừu tượng, sự linh diệu của một bài thơ cụ thể; mặt khác ông đã nâng Yugen trở thành một loại thơ trong mười loại waka. Như vậy trong mười loại waka của Nhật Bản có một loại thơ mang đặc trưng vô ngôn.
Shotetsu là một thiền sư của phái Thiền Lâm Tế. Trong tập truyện Shotetsu monogatari (Truyện Shotetsu), Shotetsu đã sử dụng khái niệm Yugen với hai nội dung như của Fujiwara Shunzei và Fujiwara Teika. Thứ nhất, Yugen được sử dụng khi tác giả bình luận một số bài thơ cụ thể trong tập Shinkokinshu (Tân cổ kim tập) theo cách của Fujiwara Shunzei. Thứ hai, Yugen được dùng trong cụm từ “Yugentai”, có nghĩa là “loại thơ Yugen”, như cách dùng của Fujiwara Teika. Dù theo cách nào, quan niệm về Yugen của Shotetsu mang ý nghĩa vô ngôn.
Như vậy, có thể thấy rằng sự xuất hiện của bài tựa tập thơ Kokinshu cũng như các tập khảo luận về thơ trong giai đoạn chuyển tiếp từ cuối thời Heian sang trung đại là những biểu hiện ngày càng rõ quan niệm văn học cổ điển Nhật Bản. Trong quá trình đó, quan niệm về Yojo, Yugen được hình thành và ngày càng được bổ sung, đặc biệt là Yuegn. Yugen mang một ý nghĩa rộng chỉ tính thần bí, thâm sâu, tĩnh lặng. Theo nguồn gốc, khái niệm này ở Trung Quốc để miêu tả những điều thâm sâu mà con người không thể thấy và lý giải được. Vào thế kỷ XII, khái niệm Yugen đã trở thành khái niệm không thể thiếu của thơ waka, được đồng nhất với khái niệm dư tình. Dù có sự biến đổi, bổ sung, khái niệm Yugen vẫn chiếm vị trí hạt nhân của mỹ học thời trung đại và ảnh hưởng sâu rộng đến những thời đại sau.
Thời Edo (XVII - 1868) là thời văn chương phù thế. Bên cạnh khái niệm dư tình và u huyền trước đó, tinh thần vô ngôn đạt tới đỉnh cao qua thơ Haiku. Đây là thể thơ được cho là ngắn nhất thế giới. Tuy chỉ gồm khoảng 17 âm tiết nhưng mỗi bài thơ Haiku là “con đường sâu thẳm” và kỳ bí. Thơ Haiku là thơ của vô ngôn biểu hiện ở chiều sâu và chân không như nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã nhận định: “Sự cô đọng của haiku là đặc điểm nổi bật, một sự cô đọng vào chiều sâu, vào chân không chứ không phải là ý muốn dùng sự ít lới để diễn tả nhiều ý nghĩa khác nhau” [3, tr.271].
Nhìn một cách tổng thể, vô ngôn trong quan niệm văn học cổ điển Nhật Bản được biểu hiện chủ yếu thông qua các khái niệm mỹ học như: Dư tình, U huyền. Tuy xuất hiện ở những thời gian, không gian và có những điểm khác nhau, nhưng về cơ bản Dư tình và U huyền có một điểm chung đó là sự biểu hiện khoảng trống, ý tại ngôn ngoại trong văn chương Nhật Bản.
Văn học cổ điển Nhật Bản ra đời muộn hơn Trung Quốc trên mười thế kỷ, quan niệm văn học muộn hơn 13 thế kỷ. Quan niệm văn học cổ điển Nhật Bản theo thời gian phát triển đã xuất hiện nhiều phạm trù mỹ học như: Tự nhiên, Phong lưu, Ý khí, Túy, Thông, Gian, Bi cảm, Vô thường, Du khoái, Tịch, Shibui, Kính, Wabi, Dư tình, U huyền,… Trong đó, các phạm trù Dư tình, U huyền mang tinh thần vô ngôn. Vô ngôn trong quan niệm văn học cổ điển Nhật Bản được xác lập từ thời Nara, từ đó phát triển ngày càng đa dạng gắn chặt với Thiền tông. Vô ngôn trong quan niệm văn văn học cổ điển Nhật Bản chủ yếu vẫn mang tinh thần của cái tình ý còn dư ba, khoảng trống trong ngôn từ và cũng vẫn mang ý nghĩa “ý tại ngôn ngoại, ngôn bất tận ý” như quan niệm của Trung Quốc.
5. Vô ngôn trong quan niệm văn học cổ điển Việt Nam
Văn học cổ điển Việt Nam có thể được tính từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX. Tuy mãi đến thế kỷ XIV những lời bàn về văn học mới xuất hiện, nhưng trước đó trong văn học thời Lý - Trần, quan niệm văn học đã hình thành ở dạng hàm ngôn, tức là thể hiện qua tác phẩm văn chương.
Thời Lý - Trần, vô ngôn được biểu hiện thông qua tác phẩm văn chương, đặc biệt là thơ Thiền. Vô ngôn trong thơ Thiền Lý - Trần không chỉ là không nói, là dĩ tâm truyền tâm, mà còn là ý nghĩa ẩn sau ngôn ngữ, là những khoảng lặng, khoảng mờ có sức gợi mở to lớn. Thơ Thiền Lý - Trần xem ngôn ngữ có tính chất hữu hạn, chỉ có vô ngôn mới thể hiện được sự vô hạn, ý nghĩa kỳ diệu của đạo Thiền. Vô ngôn nhưng lại mở ra nhiều ý nghĩa, gợi cho người đọc những cảm nhận, liên tưởng vô cùng phong phú, tùy theo sự giác ngộ của từng người. Vô ngôn trong quan niệm của các tác giả thời Lý - Trần vừa là vô ngôn trong triết lý Thiền và cũng là vô ngôn trong thơ Thiền. Đó chính là những khoảng lặng, khoảng trống nhiệm màu, là không nói nhưng lại nói rất nhiều, là vô ngôn nhưng ý lại vô cùng.
Thời Lê - Nguyễn, vô ngôn trong quan niệm văn học được biểu hiện dưới dạng hiển ngôn. Vô ngôn trong quan niệm văn học qua những lời phát biểu trực tiếp là khá phong phú và tương đối thống nhất. Tựu trung lại, vô ngôn được biểu hiện qua “Ý tại ngôn ngoại”, “Ngôn bất tận ý”, tính hàm súc, tính dư vị trong văn chương.
Trong những lời bàn trực tiếp về vô ngôn trong văn chương, có lẽ Hoàng Đức Lương (thế kỷ XV) là người đầu tiên. Đến thời Hoàng Đức Lương, văn chương Đại Việt bị thất lạc, mất mát quá nhiều. Theo ông, có bốn lý do khiến thơ văn không lưu truyền hết ở đời, trong đó lý do đầu tiên thuộc về bản chất của văn chương. Ông nói: “Đến như thơ văn, thì lại sắc đẹp ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon, không thể đem mắt thường mà xem, miệng tầm thường mà nếm được” [13, tr.28]. Mặc dù, đây là lý do mà Hoàng Đức Lương cho rằng nó khiến văn chương khó bảo tồn, dễ bị mất mát, nhưng qua đó, chúng ta thấy rằng, ông coi trọng vô ngôn trong văn chương. Vô ngôn ở đây gắn với tính dư vị trong văn chương.
Tương tự, Nguyễn Dữ cho rằng ý nghĩa của văn chương nằm ngoài câu chữ. Trong Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa, Nguyễn Dữ nói “Thơ của người đời xưa, lấy hùng hồn làm gốc, bình đạm làm khéo, câu tuy ngắn nhưng ý thì dài, lời tuy gần nhưng nghĩa thì xa” [13, tr.42].
Lê Hữu Kiều là nhà nho nhưng cũng rất tôn sùng Phật giáo. Ông quan niệm trong sáng tác cần miêu tả được cái thần của từng sự vật, có như vậy thì thơ mới chân thật, mới giàu ý nghĩa. Đó chính là quan niệm nghệ thuật nói ít nhưng lại gợi nhiều. Ông ca ngợi thơ cận thể nhà Đường như sau: “Mô tả đường nét bên ngoài mà nổi lên cái thần, nói một câu có thể tỏ được trăm ý, xem kỹ lưỡng có thể được muôn cảnh. Nghệ thuật thơ văn đến thế thật là thần diệu! ” [15, tr.71].
Nguyễn Cư Trinh cũng rất đề cao vô ngôn trong sáng tác. Ông cho rằng “lòng người là thứ khó lường”, vì vậy khi phát ra thành thơ “đến nỗi một chữ mà nghĩ ba năm mới được, giảng ngàn năm chưa xong”. Ông quan niệm văn chương phải giản dị, ý nghĩa hàm súc: “Tóm lại, người làm thơ không ngoài lấy trung hậu làm gốc, ý nghĩa phải hàm súc, lời thơ phải giản dị” [15, tr.63].
Lê Quý Đôn có nhiều ý kiến bàn về văn học, mà cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, trong đó có ý kiến về vô ngôn. Trong Vân đài loại ngữ, Lê Qúy Đôn tâm đắc khi dẫn lời Tô Đông Pha: “Ý dứt mà lời hết là lời nói hay trong thiên hạ. Nhưng lời dứt mà ý không hết thì lại càng hay hơn nữa” [15, tr.98].
Ngô Thì Nhậm trong bài tựa Hoàng Công thi tập cũng chú trọng đến vô ngôn và cái thần của thơ. Ông nói: “Ông bạn già của ta là Hoàng Công, theo nếp thi thư nổi tiếng ở trong kinh, ngoài nước. Từ khi ta được vào chầu trong điện, cùng làm việc với ông, từng thấy những bài vịnh sử và ngâm vịnh của ông đều là những bài có cái thần rộng đến ngàn xưa, ngụ ý sâu xa ngoài cảnh vật, thật đã ngang hàng với họ Khuất họ, Tống sánh vai với họ Thẩm, họ Tạ” [15, tr.146].
Điều tuyệt diệu của văn chương đâu phải dùng lời mà biểu đạt được. Đó là quan niệm của Ngô Thì Vị: “Tôi đọc đi đọc lại thơ ông và tham cứu bài tựa của Nguyễn Hầu, giống như người vẽ nó thì lại càng nắm bắt hết được cái hình dung của nó. Kinh Dịch nói:“Thư không thể nói hết lời, lời không thể nói hết ý, tôi quên mình quê vụng, hết thảy trình bày lời lẽ của mình để viết lời bạt này” [9, tr.111].
Phan Huy Chú, khi nhận xét về bài thơ Lễ Đễ sơn tự của Lê Thiếu Dĩnh, cũng đã thể hiện tinh thần vô ngôn: “Chuộng giản dị, cổ kính” và “Lời và ý sâu xa, rất có ý thú ở ngoài” [4, tr.454].
Để kết thúc những lời phát biểu trực tiếp về vô ngôn, quan niệm của Vũ Duy Thanh sẽ là sự khái quát tiêu biểu. Trong Bồng Châu thi văn tập, ông quan niệm: “Cái nguyên cớ của văn chương mặc ai muốn hiểu; chỉ nghe tới cái vô thanh sẽ ngộ được cái hữu thanh” [9, tr.76].
Văn học cổ điển Việt Nam ra đời muộn hơn Trung Quốc trên 13 thế kỷ, quan niệm văn học ở dạng hiển ngôn muộn hơn 15 thế kỷ. Quan niệm văn học Việt Nam được hình thành chủ yếu từ sự tiếp biến ảnh hưởng văn học Trung Quốc gắn với Nho giáo và Thiền - Lão. Vô ngôn trong quan niệm văn học cổ điển Việt Nam thể hiện dưới hai dạng thức. Dạng hàm ngôn xuất hiện trong văn học thời Lý - Trần. Tuy thể hiện gián tiếp qua tác phẩm, nhưng lại trực tiếp nói về quan niệm vô ngôn trong triết lý Thiền tông và trong thơ. Vô ngôn là Thiền là phương thức giao tiếp, truyền tin “dĩ tâm truyền tâm” trong Thiền. Vô ngôn trong thơ cũng mang tính Thiền, đó là sự hữu hạn của ngôn ngữ, là những khoảng trống đầy gợi mở, là không nói nhưng lại nói lên nhiều điều. Dạng hiển ngôn xuất hiện trong văn học thời Lê - Nguyễn. Các tác giả thời Lê - Nguyễn phát biểu trực tiếp về quan niệm ngôn ngữ trong văn chương, vô ngôn được thể hiện qua “Ý tại ngôn ngoại”, “Ngôn bất tận ý”, tính hàm súc và dư vị của ngôn ngữ văn chương.
6. Kết luận
Vô ngôn có nguồn gốc từ tư tưởng Thiền - Lão, ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm văn học Trung Quốc. Từ đó, cùng với sự du nhập của tư tưởng Thiền - Lão vào các nước còn lại, vô ngôn trở thành một nguyên tắc thẩm mỹ trong văn học cổ điển các nước Đông Á. Vô ngôn trong quan niệm văn học cổ điển các nước Đông Á về cơ bản mang hàm nghĩa tương đồng để chỉ khoảng trống, khoảng mờ trong văn chương mà ngôn từ không thể diễn tả được, là tình ý còn dư ba, là “ý tại ngôn ngoại” hay “ngôn bất tận ý”. Theo thời gian, vô ngôn đã trở thành lý tưởng thẩm mỹ và tạo nên nét truyền thống độc đáo trong văn học cổ điển các nước Đông Á. Trong thực tiễn sáng tác, vô ngôn chủ yếu biểu hiện trong thơ. Thơ các nước Đông Á phong phú về loại thể, đang dạng về nội dung, hình thức. Tuy có khác nhau về loại thể, nội dung, hình thức cũng như không gian, thời gian nhưng thơ nói chung; thơ Thiền Đường, Tống của Trung Quốc; thơ Hyangga, thơ Thiền thời Joseon của Hàn Quốc; thơ yugen, haiku của Nhật Bản; thơ Thiền Lý, Trần của Việt Nam nói riêng đều có những nét chung. Đó là cùng chung dòng suy tưởng, sự đồng điệu, hòa hợp về tâm hồn. Đặc biệt, trong ngôn ngữ thơ, đó là sự kiệm lời, sự im lặng, sự giới hạn, tính mơ hồ, hàm súc,... Điều này đã làm cho thế giới ngôn ngữ thơ trở nên bí ẩn, đầy màu sắc, nhiều tầng nghĩa và đưa thơ đạt đến sự linh diệu, vươn đến cảnh giới vô hạn./.
Tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Duy Cần (Dịch và bình chú, 1971), Lão Tử Đạo đức kinh, Nxb Khai Trí, Sài Gòn.
[2] Nguyễn Duy Cần (Dịch và bình chú, 2013), Trang Tử Nam hoa kinh, tập 1 (tái bản), Nxb Trẻ, TPHCM.
[3] Nhật Chiêu (2013), Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[4] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (Viện sử học dịch và chú giải, 2007), tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[5] Lê Giang (2005), Tư tưởng lý luận văn học Trung Quốc - Lịch sử và tư liệu, đề tài NCKH cấp trường, trường KHXH&NV TPHCM.
[6] Phan Thị Thu Hiền (2017), Văn học cổ điển Hàn Quốc - Tiến trình và bản sắc, Nxb KHXH, Hà Nội.
[7] Phan Thị Thu Hiền (Chủ biên, 2017), Hợp tuyển Văn học cổ điển Hàn Quốc, Nxb Tổng hợp, TPHCM.
[8] Lưu Hiệp, Văn tâm điêu long (Trần Thanh Đạm, Phạm Thị Hảo dịch, 2007), Nxb Văn học, Hà Nội.
[9] Đỗ Văn Hỷ (1993), Người xưa bàn về văn chương, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[10] Khoa Ngữ Văn và Báo chí (2006), Một số vấn đề về lý luận, phê bình văn học cổ Trung Quốc, Kỷ yếu Hội nghị khoa học, trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TPHCM.
[11] Nguyễn Công Lý (2014), “Về kiểu tư duy nghệ thuật trực cảm tâm linh trong văn chương”, Tạp chí Hán Nôm, số 3.
[12] Khâu Chấn Thanh, Lý luận văn học, nghệ thuật cổ điển Trung Quốc (Mai Xuân Hải dịch,1994), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[13] Nguyễn Minh Tấn (Chủ biên, 1981), Từ trong di sản... , Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.
[14] Nguyễn Thanh Tùng (2010), Sự phát triển tư tưởng thi học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội.
[15] Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Cừ, Vũ Thanh, Trần Nho Thìn (Sưu tầm, tuyển chọn, 2007), Mười thế kỷ bàn luận về văn chương, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[16] Chung Vinh, Thi phẩm tập bình (Nguyễn Đình Phức, Lê Quang Trường tuyển dịch, 2008), Nxb Văn nghệ, TPHCM.